Chiều 9/8, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín tổ chức Hội nghị công bố chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4, đoạn từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A, tỷ lệ 1/500.
Tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực đã công bố Quyết định số 2437/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4, đoạn từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A, tỷ lệ 1/500, tại quận Hà Đông, các huyện Thanh Oai, Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Phối cảnh đường Vành đai 4
Theo đó, tuyến đường có chiều dài khoảng 15km, điểm đầu giao với quốc lộ 6, điểm cuối giao với quốc lộ 1A. Hướng tuyến được xác định trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng các huyện Thanh Oai, Thường Tín và Quy hoạch các phân khu đô thị GS, GS(A), S4, S5 được duyệt. Cấp hạng là đường cao tốc với thành phần cao tốc ở giữa và đường song hành (đường đô thị) hai bên.
Tuyến đường có bề rộng mặt cắt ngang rộng 120m bao gồm: Thành phần đường cao tốc 6 làn xe, đường song hành (đường đô thị) hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho tuyến đường sắt quốc gia vành đai.
Dọc theo đoạn tuyến đường Vành đai 4 từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A sẽ xây dựng 6 nút giao khác mức (bao gồm 2 nút giao liên thông với quốc lộ 6, đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên và 4 nút giao trực thông với các tuyến quốc lộ 21B, đường Hà Nội - Xuân Mai, trục kinh tế phía Nam, đường sắt quốc gia Bắc Nam và quốc lộ 1A).
Đại diện các đơn vị quận, huyện có đường Vành đai 4, đoạn từ QL 6 đến QL 1A đi qua ký kết bàn giao chỉ giới đường đỏ
Trong đó, nút giao liên thông với quốc lộ 6 sẽ được triển khai đầu tư xây dựng ngay cùng với đường Vành đai 4 (các nút giao còn lại sẽ triển khai thực hiện theo dự án riêng) được xác định chính thức chỉ giới đường tại hồ sơ này.
Chỉ giới đường đỏ tuyến đường được xác định trên cơ sở tim đường quy hoạch, mặt cắt ngang đường, các thông số kỹ thuật, kích thước, kết hợp với nội suy và các điều kiện khống chế cụ thể được xác định chi tiết trên bản vẽ.
Quá trình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường, cần tiếp tục rà soát chỉ giới đường đỏ, nút giao trong dự án đầu tư. Trong trường hợp có sự thay đổi, vi chỉnh, cho phép cập nhật chỉ giới đường đỏ điều chỉnh tuyến đường vào Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư để trình duyệt và cập nhật vào các hồ sơ bản vẽ khác có liên quan.
Các tuyến hạ tầng kỹ thuật giao cắt với tuyến đường có các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Mương tưới tiêu thoát nước, các tuyến điện cao thế..., khi lập dự án đầu tư, cần có giải pháp di dời, xây dựng hoàn trả bảo đảm sự hoạt động bình thường của các công trình hạ tầng kỹ thuật nêu trên.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định, việc thực hiện dự án Vành đai 4 là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với quốc gia, vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận. Do đó, từ khi có chủ trương đầu tư, sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, huyện Thường Tín đã tích cực triển khai các nhiệm vụ để chuẩn bị cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đến nay, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo GPMB của huyện và Ban chỉ đạo tại các xã có đường Vành đai 4 đi qua nhằm vận động, tuyên truyền nhân dân đồng tình ủng hộ; đồng thời, thành lập các tổ công tác kiểm đếm tài sản, hoa màu… trong phạm vi dự án.
Cũng trong ngày 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao vốn cho Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương bố trí, bổ sung và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (đợt 3) cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Trong đó, thống nhất việc giao vốn kế hoạch cho 3 dự án quan trọng quốc gia là 78.307,587 tỷ đồng, gồm dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông - Vận tải 31.396 tỷ đồng để giao về các địa phương, gồm: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.