Lãi tăng mạnh
Theo số liệu được Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance, mã EVF) công bố, 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của EVNFinance đạt 310,6 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 53% kế hoạch năm.
Trong nửa đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần của EVNFinance chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với mức tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 760,7 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng gần gấp đôi lên 45 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh chuyển từ lãi 345 tỷ đồng sang lỗ 14 tỷ đồng. Công ty ghi nhận tổng thu nhập hoạt động tăng 31% lên 813 tỷ đồng. Chi phí hoạt động giảm từ 174 tỷ về 7 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp đôi lên 495 tỷ đồng.
Theo đánh giá, mức tăng trong lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm chưa tương xứng với tăng vốn, lãi cơ bản trên cổ phiếu của công ty giảm từ 442 đồng xuống 343 đồng.
Báo cáo bán niên của EVN Finance bị đơn vị kiểm toán – Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam lưu ý các vấn đề cho vay khách hàng và góp vốn, đầu tư dài hạn.
Cụ thể, tại 30/6, công ty cho vay khách hàng 37.969 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho vay ngắn hạn góp vốn vào các hợp đồng hợp tác kinh doanh để triển khai các dự án bất động sản dài hạn với tổng tài sản bảo đảm là quyền và tài sản hình thành trong tương lai 11.369 tỷ đồng; các khoản cho vay được định giá độc lập bởi một công ty thẩm định trong nhiều năm 29.748 tỷ đồng; nhóm khách hàng cho vay hoặc có cùng người đại diện hoặc cùng tòa nhà làm việc 24.901 tỷ đồng; cho vay liên quan đến dự án bất động sản chưa triển khai xây dựng tính đến thời điểm lập BCTC bán niên 2024 trị giá 11.607 tỷ đồng.
Đối với khoản góp vốn đầu tư dài hạn, công ty ghi nhận 1.884 tỷ đồng, tăng 88% so với đầu năm; trích lập dự phòng 48 tỷ đồng. EVN Finance góp 1.138 tỷ đồng và các công ty từ ngày thành lập có khoản mục phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và chưa phát sinh hoạt động kinh doanh đáng kể. Doanh nghiệp góp 626 tỷ đồng vào các công ty là khách hàng vay với tổng dư nợ tại thời điểm 30/6 đạt 7.696 tỷ đồng.
Tại cuối quý II, EVN Finance đạt 50.595 tỷ đồng tổng tài sản. Ngoài cho vay khách hàng và đầu tư dài hạn, doanh nghiệp mang 2.314 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán và 5.973 tỷ đồng gửi tại các tổ chức tín dụng. Công ty trích lập 130 tỷ đồng cho chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán.
Cổ phiếu EVF gây thất vọng
Vào đầu năm, cổ phiếu EVF của Công ty tài chính cổ phần điện lực – EVN Finance (mã: EVF) là ngôi sao sáng trên thị trường tài chính. Cổ phiếu liên tục phá đỉnh lên vùng 19.300 đồng/cp, tăng 74% trong vòng 4 tháng (từ tháng 10/2023 đến tháng 2/2024).
Đà tăng giá của công ty đến từ kỳ vọng kinh doanh tươi sáng với việc đã tăng vốn thành công gấp đôi lên hơn 7.000 tỷ đồng vào cuối năm trước. Với nguồn vốn được rót thêm, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 585 tỷ đồng, tăng 43% và là mức vượt trội so với các năm trước.
Đồng thời, cổ phiếu của công ty cũng được thêm vào rổ FTSE Vietnam All-Share Index trong kỳ review quý II. Nhờ đó, cổ phiếu này được quỹ ngoại mua hàng triệu đơn vị (hơn 8 triệu đơn vị).
Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu trên thị trường lại theo chiều hướng ngược lại. Sau khi lên vùng đỉnh 19.200 đồng/cp vào cuối tháng 2, mã chứng khoán EVF bắt đầu lao dốc, hiện đã xuống vùng 11.500 đồng/cp – vùng giá tháng 10/2023, giảm 38% trong hơn 6 tháng.
Mặt khác chỉ sau 1 quý được vào danh mục của MarketVector Vietnam Local Index – Chỉ số tham chiếu cho quỹ trăm triệu đô VanKck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), tại đợt review quý III công bố ngày 14/9, cổ phiếu EVF bị loại ra. Với việc bị loại ra, mã chứng khoán EVF có thể bị bán khoảng 3,9 triệu USD.
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, EVNFinance sẽ triển khai kế hoạch chỉ trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 8% và phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2024 theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.