Để doanh nghiệp 'bắt kịp' chuyển đổi xanh

10:00 27/09/2024

Chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam đã ít nhiều biết đến xu thế này, nhưng để tiếp cận, bắt kịp và đáp ứng được chuyển đổi xanh thì đang còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cần ban hành sớm tiêu chuẩn phân loại xanh để doanh nghiệp có thể bắt kịp xu thế chuyển đổi xanh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư).

Cần ban hành sớm tiêu chuẩn phân loại xanh để doanh nghiệp có thể bắt kịp xu thế chuyển đổi xanh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư).

Doanh nghiệp ngàn tỷ vẫn gặp khó khăn

Kết quả khảo sát vừa được Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân) công bố cho thấy, nguồn vốn là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp (DN) gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh (CĐX). Theo đó, 50% DN được khảo sát cho rằng họ gặp phải khó khăn về vốn, các DN ngành công nghiệp; nông, lâm và thủy sản gặp khó khăn nhiều hơn với tỷ lệ lần lượt là 53,7% và 52,9%. Đáng chú ý, có đến 62,7% DN có doanh thu từ 1.000 - 1.500 tỷ cho rằng “gặp khó khăn về vốn”.

“Đây là một vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt vì trong khi DN rất cần vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh để đón đầu các cơ hội thì tài chính xanh chưa phát triển tương ứng” - Báo cáo về Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong CĐX của Ban IV nhấn mạnh.

Ngoài nguồn vốn, vấn đề nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, CĐX cũng là khó khăn không kém khi 46,8% DN khảo sát lựa chọn. Bà Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết thêm, kết quả thực địa cũng cho thấy DN không biết tìm nguồn nhân lực ở đâu do giảm phát thải là lĩnh vực mới, đặc thù. Một số công ty thép, kết cấu thép được khảo sát cũng thông tin về việc họ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nhân sự chuyên môn để chuẩn bị trước cho việc tuân thủ CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon). Đáng chú ý, bà Thủy đánh giá: “Đây là khó khăn chung hiện nay nên không có nhiều sự khác biệt giữa DN các ngành hay DN đầu tư nước ngoài với trong nước”.

Khó khăn thứ ba được DN trong khảo sát nêu ra là các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp. Kết quả thực địa cho thấy, dù có nhiều tổ chức, công ty tư vấn tiếp cận nhưng DN vẫn khó đưa ra các lựa chọn cụ thể do các tổ chức, công ty tư vấn hoạt động không đồng nhất, giá tư vấn và hình thức tư vấn cũng có sự khác biệt và chênh lệch. Trong đó, chuyển đổi năng lượng là thách thức lớn đối với quá trình các DN chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Đặc biệt, bà Phạm Ngọc Thủy “tiết lộ”, có một số DN nằm trong danh sách ban đầu bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính nhưng không biết, ví dụ như 67/69 DN ngành giấy và nhiều DN tại tỉnh Thái Nguyên chưa biết DN mình nằm trong danh sách hay DN ở quy mô lớn nhất mảng sản xuất dây cáp điện tại Việt Nam không hề biết đến việc buộc phải kiểm kê cho đến khi được Ban IV đề cập trực tiếp.

Khẩn trương ban hành tiêu chuẩn phân loại “xanh”

“Việt Nam cần hành động ngay để bắt kịp yêu cầu, xu thế từ các thị trường, đối tác thương mại chính” - Báo cáo của Ban IV nhấn mạnh. Theo đó, Ban IV đưa ra các chính sách khuyến nghị để có thể tạo cho DN một con đường đi thông thoáng hơn nhằm bắt kịp xu thế và đòi hỏi từ thị trường thế giới.

Trong đó, việc đầu tiên là cần hoàn thiện mang tính tổng thể các thể chế, chính sách để hỗ trợ DN CĐX, bao gồm việc rà soát các chính sách và quy định pháp lý đã tồn tại để thay đổi cho phù hợp với xu hướng chuyển đổi, phù hợp với mô hình kinh tế tái chế, tuần hoàn,... Các tiêu chuẩn phân loại xanh, danh mục dự án xanh, quy định tín dụng/trái phiếu xanh, các thiết kế về dòng vốn trung và dài hạn... cần được ban hành sớm và hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai nhanh chóng để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết, phù hợp.

Tiếp theo, các Bộ, ngành đầu mối quyết tâm thúc đẩy đúng chỉ đạo của Chính phủ vì thị trường tín chỉ carbon được coi là mảnh ghép quan trọng để các DN và quốc gia CĐX bởi so với nhiều quốc gia trong khu vực, việc tạo lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đang chậm trễ. Cụ thể, bên cạnh các nỗ lực của Bộ, ngành để xây dựng hệ thống pháp lý, chính sách, hạ tầng giao dịch mua bán tín chỉ, còn cần thúc đẩy mức độ sẵn sàng về “sản phẩm” (gồm hạn ngạch phát thải, tín chỉ các bon ở các lĩnh vực), mức độ sẵn sàng của các chủ thể giao dịch trên sàn (gồm doanh nghiệp, các tổ chức trung gian, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước liên quan...).

Đồng thời, Việt Nam cũng cần thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực cùng các chính sách để hỗ trợ loạt DN tiên phong thích nghi với cuộc chơi mới, đặc biệt tập trung vào các vấn đề như tài chính xanh, nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, thị trường tín chỉ các bon, chuyển đổi công nghệ và năng lượng... từ đó tạo mẫu và động lực cho diện rộng DN cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu chung quốc gia.

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới