Báo cáo của Tổng cục thống kê chỉ ra, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 giảm 0,18% so với tháng trước và tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục thống kê, những nguyên nhân khiến CPI tháng 12/2021 giảm là do giá xăng dầu, giá gas trong tháng giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại nhiều địa phương.
Tính bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Báo cáo chỉ ra, có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, 7 nhóm có chỉ số giá tăng.
Nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 1,71% làm CPI chung giảm 0,17%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu khiến chỉ số gia xăng, dầu tháng 12 giảm.
Các nhóm có mức giảm tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm giáo dục, và nhóm bưu chính viễn thông với mức giảm từ 0,01 - 0,45%.
Ở chiều ngược lại, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép có chỉ số giá tăng cao nhất với 0,22% do trong tháng có nhiều cửa hàng, siêu thị đã kết thúc chương trình khuyến mãi giảm giá, cùng với đó nhu cầu mua sắm quần áo mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch nên cửa hàng tăng giá bán.
Nhóm đồ uống và thuốc lá có mức tăng cao nhì với 0,2%. Nhóm hàng hóa này tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào thời điểm cuối năm và giá USD tăng.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; văn hóa, giải trí và du lịch; thuốc và dịch vụ y tế... có mức tăng 0,02 - 0,17%.
Không nằm trong rổ hàng hóa, chỉ số giá vàng tháng 12 giảm 0,25% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2021, giá vàng tăng 8,67% so với năm trước.
Chỉ số giá đồng USD tăng 0,84% so với tháng trước, và giảm ,58% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong thời gian giãn cách kéo dài.