“Thành phố tội lỗi”
Ngày nay, khi nghĩ đến các điểm nóng của tiệc tùng, người ta thường nhớ ngay đến Las Vegas, New Orleans hoặc Miami - những thành phố giải trí nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, trong thế giới cổ đại, dọc theo bờ biển phía Tây nam của nước Ý đã từng có một đô thị nghỉ dưỡng cao cấp bậc nhất trong đế chế La Mã có tên gọi là Baia.
Nơi đây có thể chiều lòng mọi sở thích thất thường của tất cả các quý tộc, nhà thơ, tướng lĩnh cũng như tất cả những người khác. Nước khoáng và khí hậu ôn hòa là lý do đã kéo giới quý tộc Rome đến với Baia vào nửa sau thế kỷ thứ hai trước Công nguyên.
Baia được xây dựng trên một cánh đồng có nhiều núi lửa hoạt động. Các hố nham thạch ở đây được người Hy Lạp và La Mã cổ đại tôn thờ như cổng vào thế giới dưới lòng đất. Và cũng chính đá của các ngọn núi lửa kết hợp cùng đá vôi đã tạo ra xi măng không thấm nước. Đây là loại vật liệu được giới quý tộc dùng để xây dựng nên các căn biệt thự xa hoa trên bãi biển với các phòng spa được sưởi ấm và các hồ tắm được khảm đá, nơi họ có thể thỏa mãn các lạc thú điên dại nhất.
Thậm chí, người dân còn tạo nên nymphaeum - hang động được bao quanh bởi những bức tượng đá cẩm thạch nhằm phục vụ thú vui trần thế của những nhân vật quyền uy.
Những hang động được xây bằng đá cẩm thạch tại thành phố cổ Baia
Theo các nhà sử học, sống trong thế giới cổ đại, chỉ nhắc đến Baia cũng có nghĩa là sự đồi bại. Đối với những người tìm thấy niềm vui ở một nơi như vậy, để công bố nó một cách công khai là mạo hiểm danh tiếng của họ. Đó là một nơi để phô trương sự giàu có và những ham muốn sâu xa nhất của một người.
Baia là một nơi mà “những người đàn ông già có thể là con trai và trẻ em trai có thể là con gái” và ngược lại đối với phụ nữ. Đường phố đông đúc với những khách quen say sưa, tiếng nhạc ồn ào và những bữa tiệc trên thuyền. Người La Mã cổ đại biết tiệc tùng và chăm chỉ tiệc tùng.
Những bữa tiệc tùng xa hoa luôn được giành cho các giới quý tộc khi đến với Baia
Họ coi Baia như một nơi nghỉ dưỡng, nơi có các phòng xông hơi khô tự nhiên, suối nước nóng và ẩm thực hảo hạng. Không có gì lạ khi Hoàng đế Nero, người nổi tiếng tàn bạo nhất trong tất cả các nhà vua cai trị La Mã, đã vô cùng yêu thích thế giới huyền ảo và say sưa của Baia. “Có rất nhiều những câu chuyện về âm mưu liên quan đến Baia”, ông John Smout, một nhà nghiên cứu tại đây cho biết.
Theo lời đồn thì Nữ hoàng Cleopatra trốn thoát khỏi Baia trên một con thuyền sau khi Julius Caesar bị ám sát vào năm 44 trước Công nguyên, còn Hoàng hậu Julia Agrippina âm mưu giết chồng là Hoàng đế Claudius ở Baia để con trai bà có thể trở thành Hoàng đế của Rome. Đó là tất cả những lý do mà khiến Baia còn được biết đến với tên gọi “Thành phố tội lỗi”.
Sự sụp đổ của Baia
Năm 1940, tàn tích về thành phố cổ Baia bắt đầu thu hút sự quan tâm của khách du lịch khi một bức ảnh chụp cảnh những cung điện dưới đáy đại dương của một phi công được công bố. Việc Baia bị chìm xuống biển là do từ thời La Mã, miệng phun thủy nhiệt và địa chấn đã khiến khu vực xung quanh Baia liên tục bị trồi lên, sụt xuống. Cuối cùng, thành phố đã sụp đổ và chìm dưới biển tới tận hai lần vào thế kỷ 3 và thế kỷ 5 cho đến ngày nay.
Tàn tích Baia chìm sâu dưới đáy biển được phát hiện vào năm 1940
Nhờ công nghệ quét 3D và những thiết bị hiện đại, các thợ lặn đã tìm thấy những công trình kiến trúc tráng lệ, bao gồm ba ngôi đền mái vòm: Đền Diana, đền Venus và đền Mercury. Trong đó, đền Mercury là công trình có mái vòm lớn nhất thế giới, được sử dụng làm phòng tắm công cộng.
Ngoài ra, trên diện tích 177 ha còn có những công trình vinh danh hoàng đế Augustus, quảng trường được lát đá công phu, bức tượng của Octavia Claudia và thần rượu nho Dionysus...
Tàn tích Baia được công nhận là công viên khảo cổ học và mở cửa đón khách du lịch từ năm 2002. Do các mảng địa tầng có hình gợn sóng, những phế tích thật sự nằm ở vùng nước tương đối cạn với độ sâu trung bình chỉ có 6m. Điều này cho phép du khách quan sát một số công trình lạ lùng dưới nước từ trong một chiếc tàu có đáy được làm bằng kính. Các trung tâm lặn địa phương cũng cung cấp các tour lặn để khách du lịch tham quan thành phố dưới nước này.
Vào một ngày biển lặng, du khách có thể nhìn thấy các cây cột La Mã, các con đường cổ xưa và các quảng trường được lát gạch tỉ mỉ. Các bức tượng của Octavia Claudia (chị gái của Hoàng đế Claudius) và Ulysses đánh dấu lối vào các hang động dưới nước. Các cánh tay tượng duỗi ra lốm đốm những vỏ sò bám vào.
Quảng trường của Baia được lát gạch tỉ mỉ, tinh xảo
Ngoài ra ở phía trên mặt đất cũng có nhiều thứ thu hút khách thăm quan. Thật ra, nhiều tác phẩm điêu khắc chìm dưới nước chỉ là bản sao tái hiện lại, bản gốc được lưu giữ ở phía trên ngọn đồi ở Lâu đài Baia, nơi Viện quản lý Khảo cổ Campania quản lý một bảo tàng các di tích trục vớt từ dưới biển.
Nhiều phế tích La Mã trên mặt đất cũng có thể nhìn thấy được ở gần Công viên khảo cổ Terme Di Baia, phần thành cổ vẫn còn nằm ở phía trên mặt đất. Di tích lịch sử trên mặt đất này có tàn tích của những sân hiên khảm gạch và những nhà tắm có mái vòm.