Tự chủ công nghệ: Bí quyết giúp Tesla tránh khỏi "cơn bão" khủng hoảng chip toàn cầu

15:46 14/01/2022

Nhờ sự quyết tâm và tầm nhìn táo bạo của CEO Elon Musk, Tesla hiện đang là ứng cử viên tiềm năng cho vị trí ông vua ngành ô tô toàn cầu.

Trong phần lớn năm 2021, các nhà sản xuất ô tô lâu đời như General Motors và Ford Motor bị coi là hoạt động kém hiệu quả so với Tesla. General Motors và Ford đã phải đóng cửa nhiều nhà máy trong vài tháng liên tục vì thiếu chip, khiến các đại lý khan hàng và giá xe tăng vọt.

Ở phía ngược lại, Tesla liên tiếp ghi nhận doanh số kỷ lục với lượng xe bán ra gần gấp đôi so với năm 2020.

Nhiều người cho rằng Tesla dường như đứng ngoài cuộc khủng hoảng chip mà ngành ô tô đang gánh chịu. Sự thành công của Tesla cho thấy các công ty ô tô điện non trẻ hoàn toàn có khả năng đe dọa sự thống trị của những gã khổng lồ như Volkswagen hay G.M.  

Tầm nhìn của Elon Musk

Chỉ vài năm trước đây, CEO Tesla Elon Musk nhận rất nhiều chỉ trích khi ông nhấn mạnh Tesla cần tự chủ nhiều hơn. Giờ đây, chiến lược mà Musk đề ra đã đem lại quả ngọt. 

Tesla dường như có hệ thống dự báo nhu cầu tốt hơn so với các đối thủ. Việc thị trường xe hơi hồi phục quá nhanh sau đại dịch khiến các nhà sản xuất ô tô khác không kịp trở tay, dẫn đến tình trạng thiếu chip và phụ tùng. 

Tesla vượt khó bằng cách tận dụng các con chip họ có sẵn, viết lại phần mềm để phù hợp với dòng xe của mình. Các công ty ô tô lớn không thể làm điều tương tự vì họ phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài về phần mềm và máy tính.

Elon Musk - kiến trúc sư trưởng đứng sau thành công của Tesla hiện tại. Ảnh: WSJ.

Elon Musk - kiến trúc sư trưởng đứng sau thành công của Tesla hiện tại. Ảnh: WSJ.

Tesla bán được 936.000 ô tô trên toàn cầu trong năm 2021, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước đó. Ford, G.M. và Stellantis (hợp nhất giữa Fiat Chrysler và Peugeot) ghi nhận xu hướng ngược lại khi doanh số giảm so với năm 2020. 

“Tesla được thành lập ở Thung lũng Silicon và chưa bao giờ phải thuê phần mềm từ bên ngoài. Họ đã tự viết lại phần mềm để có thể thay thế chip thiếu hụt bằng chip có sẵn. Các hãng xe khác đã không thể làm được điều đó”, Morris Cohen, giáo sư danh dự tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania nhận định. 

Mô hình tự cung cấp và đơn giản hóa

Việc tự chủ nhiều hơn cũng giải thích tại sao Tesla tránh được tình trạng thiếu pin - điều khiến nhiều công ty sản xuất xe điện đau đầu. 

Vào năm 2014, khi hầu hết các nhà sản xuất ô tô vẫn đang tranh luận về việc liệu xe điện có xứng đáng được đầu tư hay không, Tesla đã khởi công gigafactory để sản xuất pin với đối tác Panasonic. Sau 8 năm, gigafactory hiện là một nguồn cung cấp pin quan trọng mà Tesla có thể dựa vào. 

"Dự án có rủi ro lớn. Nhưng nhờ Tesla đưa ra quyết định từ sớm nên có quyền kiểm soát số phận của mình nhiều hơn", Ryan Melsert, cựu giám đốc điều hành Tesla, người tham gia dự án gigafactory chia sẻ.

Nhà máy gigafactory nhìn từ trên cao. Ảnh: Tesla. 

Nhà máy gigafactory nhìn từ trên cao. Ảnh: Tesla. 

Không dừng lại ở đó, để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, Tesla cũng cố gắng hạn chế số lượng dòng xe. Chỉ riêng mẫu sedan Model 3 và xe thể thao Model Y đã chiếm gần như toàn bộ doanh số Tesla trong năm 2021. Tesla cũng cung cấp ít tùy chọn hơn so với nhiều nhà sản xuất ô tô truyền thống, giúp đơn giản hóa quá trình sản xuất.

Phần mềm trên ô tô Tesla có thể được cập nhật từ xa và được coi là phần mềm phức tạp nhất trong ngành. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, ô tô Tesla sử dụng ít chip hơn vì họ biết kiểm soát chức năng như làm mát pin và lái xe tự động mà không cần quá nhiều mạch điện tử. 

Thách thức với Tesla khi các ông lớn thức tỉnh

Các công ty xe hơi khác giờ đây nhận ra họ buộc phải đi theo con đường như Tesla và Musk. Ô tô ngày càng được số hóa và cần nhiều phần mềm giúp động cơ và hộp số hoạt động. Đây là thực tế mà các công ty ô tô truyền thống cũng không thể phủ nhận.

Trong vài tháng gần đây, nhiều hãng xe, bao gồm Ford và Mercedes-Benz tuyên bố họ đã thuê kỹ sư và lập trình viên để thiết kế chip và phần mềm độc quyền.

"Trong tương lai, Mercedes sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có các con chip tiêu chuẩn hóa, tùy chỉnh trong từng mẫu xe. Mercedes cũng sẽ thiết kế phần cứng xe của riêng mình", thành viên ban lãnh đạo Mercedes - Markus Schäfer phát biểu. Ông Schäfer không trực tiếp nhắc đến Tesla, nhưng thừa nhận việc thiết kế chip riêng "đã được một số hãng thực hiện từ trước đó". 

Thị trường xe điện cũng đang trở nên cạnh tranh hơn nhiều khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống thực sự coi đây là thị trường tiềm năng. Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục sau đại dịch cũng được kỳ vọng giúp cải thiện tình trạng thiếu chất bán dẫn và phụ tùng xe hơi.

Hệ thống lái tự động trên xe Tesla nhiều lần bị đặt câu hỏi. Ảnh: The New York Times.

Hệ thống lái tự động trên xe Tesla nhiều lần bị đặt câu hỏi. Ảnh: The New York Times.

Vào đầu năm nay, Ford thông báo họ sẽ tăng gần gấp đôi sản lượng mẫu xe bán tải Lightning chạy điện do nhu cầu tăng mạnh. Ở phía ngược lại, Tesla dự kiến chưa thể bán xe bán tải trong vòng ít nhất một năm nữa. 

Chưa dừng lại ở đó, xe Tesla cũng đối mặt với nhiều chỉ trích khi nhiều lần gặp vấn đề về chất lượng. Vào tháng 12 vừa rồi, Tesla đã phải lên kế hoạch thu hồi 475.000 xe ô tô vì lỗi an toàn. Các nhà quản lý tại Mỹ cũng đang tiến hành điều tra tính an toàn của hệ thống tự động lái trên xe Tesla. 

"Tesla sẽ tiếp tục phát triển. Nhưng họ đang phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn bao giờ hết và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn", Stephen Beck, đối tác quản lý tại CG42, một công ty tư vấn quản lý ở New York, cho biết dự đoán.

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới